Bí Quyết Sự Sạch Sẽ Ở Nhật Bản
Khách tham quan các thành phố Nhật Bản thường rất bất ngờ về sự sạch sẽ nơi đây. Các thành phố này không chỉ hiện đại và đẹp đẽ, mà điều đáng ngạc nhiên là không hề có chút rác nào trên đường! Liệu có phải ở Nhật Bản có luật cấm vứt rác trên đường phố, hay áp dụng các mức tiền phạt hà khắc lên những người xả rác bừa bãi? Phải chăng đó là lý do? Không, không phải như thế. Vậy nguyên nhân là do đâu?
Mọi người dân ở Nhật Bản đều nhận thức được rằng họ cần phải giữ vệ sinh nơi công cộng. Rất nhiều người Nhật thường xuyên nhặt rác trên đường hoặc dành thời gian dọn dẹp khu vực gần nơi họ sinh sống để giữ cho khu phố luôn sạch sẽ. Dường như người Nhật Bản thực sự rất quan tâm đến việc giữ gìn vệ sinh.
Các Trường Tiểu Học Nhật Bản Nâng Cao Nhận Thức Xã Hội Của Học Sinh Qua Việc Làm Vệ Sinh
Dành thời gian dọn dẹp mỗi ngày giúp học sinh nhận thức được tầm quan trọng của việc giữ gìn vệ sinh. Do việc dọn dẹp không đòi hỏi phải có kỹ năng đặc biệt mà thành quả lại nhận thấy được rất rõ ràng nên tất cả mọi người đều có thể cảm thấy hài lòng và hãnh diện vì bản thân đã làm việc chăm chỉ. Các chuyên gia giáo dục cũng hy vọng rằng thông qua việc dọn dẹp không gian cộng đồng, tinh thần nhận thức xã hội và lòng vị tha của học sinh sẽ được bồi dưỡng.
Tầm Quan Trọng Của Việc Làm Sạch Trong Thiền Tông
Tinh thần về vệ sinh ở Nhật Bản bắt nguồn từ việc thực hành tín ngưỡng trong Thiền tông. Thiền tông đề cao phong cách sống tối giản với những người thực hành tín ngưỡng này. Họ tôn trọng những hoạt động cần thiết cho đời sống hàng ngày, ví dụ như dọn dẹp, giặt giũ, nấu ăn, rửa bát đĩa, và chúng được gọi chung là “Samu.” Samu trở thành một phần quan trọng trọng việc thực hành tín ngưỡng của các nhà sư. Đặc biệt, việc dọn dẹp được coi là hình thức cao nhất của thực hành tín ngưỡng, vì nó tượng trưng cho hành động thanh lọc tâm hồn và trí óc.
Bạn vẫn có thể thấy được điều này nếu ghé thăm một ngôi đền Zen ngày nay để thực hành tín ngưỡng. Một khi đã bước qua cổng đền, tuổi tác và địa vị xã hội của một người không còn quan trọng. Tất cả mọi người đều phải thức dậy cùng một giờ và cùng nhau dọn dẹp ngôi đền. Qua hành động này, họ đi đến nhận thức rằng tất cả mọi người về cơ bản đều bình đẳng như nhau. Kể cả khi ngôi đền không bụi bẩn, mọi người vẫn cần lau dọn cẩn thận để thanh tẩy không gian. Các hành lang bằng gỗ trong các ngôi đền Zen được lau dọn bởi các học viên mỗi ngày qua nhiều năm thường tỏa sáng như bề mặt tráng men lấp lánh của một chiếc đàn piano cao cấp.
Shinto - thần đạo, một tôn giáo bản địa của Nhật Bản, cũng rất đề cao “sự sạch sẽ và thanh khiết.” Onusa, chiếc đũa làm phép đặc biệt dùng trong nghi lễ Shinto, có gắn các mảnh giấy trắng rủ xuống hình zic zac trông giống như chổi phủi bụi. Những linh mục Shinto sử dụng Onusa bằng cách lắc nó từ bên này sang bên khác của các con chiên nhằm loại bỏ tội lỗi và các suy nghĩ dung tục của họ.
Đối với người Nhật, việc dọn dẹp không phải là một công việc tay chân. Nó ẩn chứa ý nghĩa tinh thần sâu sắc hơn là để thanh lọc và làm tươi mới phẩm chất con người.